Thứ hai, 24/06/2024
Hôm nay, tôi đã tham gia chuyến hành trình tìm hiểu về lịch sử ngay tại thành phố mang tên Bác - Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Nếu nhiều người nghe tới bảo tàng thì chắc nghĩ ngay trong đầu là những tòa nhà với những hiện vật đóng trong lồng kính với những dòng chữ “không sờ vào hiện vật”, nhưng với cá nhân tôi không phải vậy.
Tôi tham gia trong đoàn cùng những đồng chí trong Chi bộ Sinh viên 4 – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM). Đầu chuyến hành trình chúng tôi đến với Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn (113A Đặng Dung, Quận 1), nhìn vào thì đây có thể chỉ là một căn nhà bình thường được chọn để bán cơm tấm và cà phê, nhưng không chỉ vậy ở đây là nơi người làm công tác giao liên trao đổi thư bí mật. Đặc biệt hơn cả, căn nhà này sát vách nhà ông Ngô Quang Trưởng (tướng quân đội Việt Nam Cộng Hòa thời đó), từ thông tin đó tôi mới nghĩ sao họ làm được như vậy? Tại đây tôi cũng được thưởng thức món cơm tấm Đại Hàn, thưởng thức cà phê Đỗ Phủ, lắng nghe những câu chuyện về vì sao trong món cơm tấm lại có kim chi Hàn Quốc, nghe về cách giao liên đưa và nhận thư thế nào, chiếc tủ nhưng lại là cánh cửa ra sao, càng làm tôi cảm phục về những thế hệ trước, những người bình dị thôi nhưng họ sáng tạo vô cùng. Họ đơn giản cũng là những người yêu nước.
Tiếp trong hành trình đó, chúng tôi đến với Bảo tàng Tình báo - Biệt động Sài Gòn - Gia Định (145 Trần Quang Khải, Quận 1), thực ra để đến được điểm này chúng tôi phải đi nhiều vòng đường Trần Quang Khải để tìm vì thực ra mặt trước của Bảo Tàng này rất bé. Nhưng khi bước vào, khác với sự bình dị của quán cơm trước đó thì nơi này có vẻ hiện đại hơn, có cả thang máy với cánh cửa gỗ tinh xảo lạ mắt nhưng cũng rất hẹp có thể đi được 4 người. Sỡ dĩ hiện đại như vậy cũng có câu chuyện của nó. Địa điểm này, trước đây là cơ sở đóng mới xích lô và gia công đồ nội thất cho Dinh Độc Lập thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế, là vỏ bọc, cơ sở bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Nhưng cũng từ cơ hội làm nội thất cho Dinh Độc Lập đó họ đã có thêm thông tin, góp phần quan trọng giúp cho họ trong cuộc Tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 lịch sử. Đây cũng là điểm đặc biệt khi vừa là bảo tàng nhưng lại ngay trong di tích năm xưa. Tại đây, bên cạnh việc được xem những hiện vật thì tôi còn được tìm hiểu về hành trình chiến đấu của những chiến sĩ biệt động, cảm xúc hơn nữa (thậm chí là nổi cả da gà lên) khi được xem thước phim tài liệu lịch sử Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Sao những con người bình dị nhưng họ làm được như thế? Sao họ có thể kể lại những câu chuyện về chiến đấu, hy sinh như lẽ thường tình, như đã chuẩn bị trước. Họ kể lại như chuyện phải làm, chuyện cần làm vì đất nước. Lần nữa người trẻ như tôi được dạy, được nhắc nhớ về tinh thần anh dũng, bất khuất, sống và nỗ lực chiến đấu vì đất nước.
Có những người thì họ nghĩ việc đến tham quan di tích, bảo tàng nó là việc làm gì đó rất nhàm chán, ở đâu cũng giống ở đâu, cũng như nhau cả. Nhưng với tôi trong điểm giống thì cũng có nhiều điểm khác! Đúng, có thể ở những nơi đó đều trưng bày những trang thiết bị thô sơ đấy, ở đâu cũng có như thế thôi, những cuộc chiến đấu đấy và diễn ra ở những nơi khác nhau, nhưng mỗi nơi như thế đều có những câu chuyện khác nhau, những hành trình lịch sử, những dấu ấn, những cách làm sáng tạo của những thế hệ đi trước, những người đã nằm xuống vì đất nước, vì hai chữ “Việt Nam”. Bên cạnh đó, mỗi lần như thế đều dạy cho tôi, nhắc nhớ tôi lần nữa phải nhìn và nhớ về lịch sử, có những người bình dị lắm, nhưng chỉ với tinh thần yêu nước họ đã dấn thân, chiến đấu không ngừng nghỉ và hy sinh vì đất nước. Và là một người trẻ tôi nghĩ điều đó là cần thiết.
Trong những năm qua, với vai trò là người Đảng viên, tôi cũng có cơ hội cùng với nhiều người Đảng viên trẻ khác đến thăm và tìm hiểu ở nhiều di tích khác nhau, nhưng lần nào cũng có cảm xúc. Không biết có điều đó đã luôn thôi thúc tôi cần phải đến với các di tích lịch sử, những bảo tàng có dấu ấn của những ngày tháng đấu tranh không khuất phục của đồng bào mình. Tôi nghĩ rằng không chỉ phải là những người Đảng viên thì mới phải học về lịch sử, đến thăm và tìm hiểu về lịch sử đất nước mà ai cũng cần hiểu về đất nước để yêu nước nhiều hơn. Tôi cũng biết rằng yêu nước không cần phải học, hay phải thể hiện, mỗi người cũng có cách yêu nước khác nhau nhưng tôi nghĩ rằng yêu nước cũng cần được khơi gợi, trau dồi để mỗi ngày yêu nước hơn.
Cá nhân tôi sinh ra trong thời bình, không biết làm gì hơn nên tôi chọn trở thành người thủ lĩnh hoạt động tình nguyện. Tôi kêu gọi người trẻ cống hiến cho cộng đồng và xã hội theo cách của riêng mình và khả năng của mình. Cùng với đó tôi cũng luôn khuyến khích các bạn trẻ giống mình thường xuyên đến với các di tích, địa điểm lịch sử, bảo tàng ngay khi có cơ hội, vì trong những điều giống nhau đó thì cũng có điểm khác. Chúng tôi đã tổ chức những hành trình đưa người trẻ tình nguyện đến với các vùng biên giới, đến thăm và tặng quà cho các chiến sĩ, tham quan các bảo tàng, khu di tích lịch sử,… Và quan trọng hơn hết là mỗi lần như thế tôi tin chính chúng ta đều được khơi gợi tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm, sống và cống hiến trong khả năng mình, đóng góp tích cực và có trách nhiệm cho đất nước theo cách này hoặc cách khác, như một cách để gìn giữ và tri ân những người đi trước, mình nhìn cách họ cống hiến, cách làm tốt của họ để làm động lực phấn đấu và học theo.
06 năm tôi cống hiến với vai trò là người sáng lập tổ chức thiện nguyện kể từ năm 16 tuổi, tôi nhận ra rằng muốn phục vụ nhân dân, đồng bào mình thì mình phải hiểu nhân dân, hiểu đồng bào mình cần gì, hiểu gì, văn hoá của họ ra sao, cha ông họ, các thế hệ nhà họ đã trải qua những khó khăn thế nào, hiểu dân để phục vụ dân, giống như hiểu đất nước để yêu và phục vụ cho đất nước.
Nếu có cơ hội, bạn hãy đến thăm Bảo tàng này, hoặc bảo tàng nào đó ngay chính nơi mình ở, khi mình có cơ hội đi qua. Tôi mong chính tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa và mọi người cũng vậy.
Lê Văn Phúc
Thực cảnh chụp tại Bảo tàng, 23/6/2024