Chủ nhật, 02/04/2023

Cùng nhìn lại bài dự thi đạt giải nhì Cuộc thi chia sẻ câu chuyện Tôi làm việc tốt năm 2022 của tác giả Đặng Hoàng An

"Dẫu biết việc làm của tôi chỉ là hạt cát trên sa mạc và chỉ đóng vai trò là một thành phần nhỏ trong vườn hoa của những người làm việc tốt. Và tôi tham gia cuộc thi này không phải để kể về những việc đã làm và cần được công nhận mà điều tôi hướng đến là sự lan tỏa năng lượng tích cực. Đến với "Tôi làm việc tốt" tôi muốn chia sẻ rằng hành trình gieo những yêu thương lắm khó khăn nhưng tôi hiểu bản thân mình phải đương đầu. Bởi tôi tâm niệm rằng: "Đôi chân mỏi nhưng trái tim không mỏi, sẽ đi sẽ đi đến nhịp đập cuối cùng".

 

Người nói “chân cứng đá mềm”, nhưng đôi chân tôi đã thôi ngừng bước đi từ 6 năm trước. Dẫu rằng một phần thân thể đã khuyết nhược đau đớn nhưng “đôi chân tròn” vẫn đang dẻo dai quết những dấu ấn lên hành trình sự sống. Tôi luôn có niềm tin mãnh liệt rằng hình hài có thể “tàn” nhưng không thể sống “phế”. Thế nên, tôi vẫn tiếp tục lăn qua những “triền đồi cuộc sống” để làm việc tốt và phụng hiến vô tư.
Tôi - Đặng Hoàng An, chàng trai được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở Cần Đước, Long An. Có lẽ xuất phát điểm thấp, tuổi thơ nhọc nhằn đã khiến tâm hồn non trẻ của tôi không khỏi bồn chồn trước cuộc sống. Thế nhưng, thời gian và trưởng thành theo những trải nghiệm ý nghĩa đã giúp tôi nhận ra : dẻo dai, nỗ lực, dẫu phong ba bão táp đó chính là hạnh phúc khôn cùng của việc “làm người”. Theo đó, tôi giăng đèn đọc sách, chăm sóc sự học không ngừng vươn lên để đã từng, bước chân vào làm việc tại một trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Một ngày cuối tháng 4/2016, biến cố đã ập đến khiến tôi phải nhập viện trong tình trạng bị chấn thương tủy, chèn ép dây thần kinh nên khiến đôi chân ngày một teo nhỏ, dần mất đi chức năng vốn có của nó. Đôi chân, trục xoay số phận, giúp tôi đi trên những chặng đường lạ quen, giúp tôi đứng vững cho cha mẹ nương dựa khi mái đầu đã điểm hoa râm. Nhưng giờ đôi chân đó đã lủng lẳng đu mình trên cơ thể và trở thành gánh nặng…
Ngày nhận tin “xin lỗi chúng tôi không làm gì được hơn thế…”, tôi chết ở trong lòng. Tôi ẩn ức gào lên: định mệnh đáng “rủa nguyền”, tôi đã cố gắng đủ nhiều, sao đời cho mình ít vậy?
Tôi ngã lòng hoàn toàn trước đòn đau đầy cương quyết của số phận.
Tôi - một bản thể yếu ớt đang vùng vẫy, hô hét, khao khát đòi chết để quên đi những đắng cay tàn nhẫn mà đời đã dâng tặng. Nhiều đêm dài dày vò trong tâm tưởng vẫn không có lối đi về. Bản tính tôi vốn dĩ hướng ngoại, năng động, lạc quan nhưng khi biến cố xảy ra tôi ngã hoàn toàn rơi vào sự im lặng tĩnh mịch đáng sợ của nội cảm. Tôi dần thu mình vào trong, chạm đáy “quỷ khốc thần sầu”. Tôi trượt dài một cách vô định, không biết điểm dừng và bắt đầu sợ sự trần trụi của đời…
Và rồi, đối diện với cái chết tôi mới biết mình khát sống bao nhiêu, may thay tôi vẫn chưa sống đủ và tiếp tục phải sống. Thế nên, tôi tận lực tái tạo năng lượng, trí tuệ và xúc cảm, để nhựa sống ứa tràn như thuở ban đầu. Từ nằm dần mòn trên giường bệnh, tôi đã chịu hướng mắt nhìn ra, khi thấy bầu trời xanh có những đôi “sẻ lanh” đang ríu rít chuyện trò, những trắc bách, bụi sử quân tử đang tươi xanh nhựa sống kề cửa sổ. Giật mình vì sự sống vẫn đang tiếp diễn và tôi bắt đầu “bật nhú” trở lại những mầm non mới.
Tôi nghĩ rằng thời gian không thể nào quay ngược được. Thế nên, tôi đã lựa chọn cách sống bằng lòng, chấp nhận và sống cùng với một thực tế, đó là khoảnh khắc tôi mượn bánh xe kim khí thay cho đôi chân để lăn tròn theo dòng thời gian.
Ban đầu, tôi dần làm quen với việc di chuyển trên “đôi chân tròn”, cố gắng mỗi ngày để có thể lấy lại sự tự chủ phần nào cho cơ thể của mình. Bên cạnh đó, tôi đã tìm đến các tấm gương nghị lực để tìm cảm hứng sống. Tôi bắt đầu tìm đến sách, mỗi một trang sách lật qua, cũng giống như trang đời, luôn có những thứ đọng lại khiến mình học hỏi. “Đến ngọn rau còn vươn mình để sống huống gì mình là cả một con người”. Hóa ra, cái chênh vênh nào thì cũng trót vương vãi lại ít nhiều trong lòng về sự quyết tâm không từ bỏ mọi cố gắng. Thế là tôi được tích lũy dần về “lượng” để thay đổi “chất”.
Những lúc dự cảm tâm trạng có phần đi xuống tôi lại nhớ đến lời của Paven trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí...”. Từ đó, tôi quyết liệt hơn, quyết tâm sống tích cực, lạc quan để mỗi ngày trôi qua đều ý nghĩa.
Tận dụng kiến thức của một thạc sĩ tâm lý, tôi tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên. Tôi nghĩ rằng đây cũng là một việc làm rất ý nghĩa bởi những điều tôi mang đến cho các em không chỉ là kiến thức, là hình ảnh thầy giáo mang trên mình “đôi chân tròn” mà cả những giá trị nhân văn đánh động đến nhận thức, thái độ sống cho thế hệ trẻ.

Hiểu được những nỗi đau bản thân đã trải qua, trái tim tôi càng thêm thổn thức trước những người đồng cảnh. Mặc dù, với “đôi chân tròn” sức và lực không được như xưa nhưng bằng trái tim tận hiến tôi đã viết tiếp cho đời những câu chuyện đẹp trong chính khả năng của mình. Và từ đó thêm nhiều khoảnh khắc được tôi viết cho cuộc đời mình.
Suốt 3 năm qua, “đôi chân tròn” đã trải trên hành trình nhân văn đến những người đồng cảnh, người yếu thế trong cuộc sống không chỉ mang giá trị vất chất mà vuợt lên trên là giá trị tinh thần với niềm đồng cảm, san sẻ yêu thương... Trực tiếp đi qua nhiều chuyến thiện nguyện, tôi nhận ra giá trị của sự cho đi và niềm vui khi mình mang lại cho người khác một điều gì đó trong cuộc sống.
Với những hành trình đã qua, có thể nói rất nhiều câu chuyện làm tôi trăn trở. Trong đó có chi tiết về người chiến sĩ giao liên u60 không may bị tai biến luôn khắc khoải trong kí ức của tôi. Căn bệnh đã khiến chú mất khả năng nói và đi lại. Thế nên, suốt gần 5 năm qua chú phải nằm liệt một chỗ. Ngày đổ bệnh, người vợ vì lý do nào đó cũng đã rời xa chú. Tôi đến thăm chú vào một ngày hè trời nắng như đổ lửa, trên chiếc giường rỉ sét là những tiếng khóc nấc, nghẹn ngào vì xúc động của chú đã khiến tôi nghẹn đắng cõi lòng. Và chính khoảnh khắc ấy giúp tôi tự nhũ rằng bản thân cần cố gắng nhiều hơn để đồng hành cùng những người yếu thế. Mặc dù giờ đây hình ảnh về chú đã khuất xa dương thế nhưng tôi vẫn luôn thầm biết ơn chú vì nhờ có chú tôi mới có cơ hội thực hành sự yêu thương và cho đi.

Niềm hạnh phúc lớn nhất hiện tại của tôi là được sống và làm những việc mang lại giá trị tốt đẹp cho cộng đồng xã hội nói chung và người khuyết tật nói riêng.
Năm 2021, đất nước ta có nhiều biến động, mất mát và thương đau. Bản thân tôi đã trải qua một thời tuổi trẻ sôi nổi, được khoác lên mình màu áo “xanh hy vọng” cùng lá cờ Tổ quốc trên ngực trái đó là điều khiến tôi luôn tự hào nhất về bản thân mình. Tôi luôn mong muốn cống hiến chút sức nhỏ mà mình có để giúp đỡ mọi người nhiều nhất có thể. Đó là lí do lớn nhất luôn thôi thúc tôi tham gia công tác tình nguyện xuyên suốt trong đợt đại dịch và cho đến hiện tại.
Trong mùa dịch Covid-19, không thể di chuyển xa, tôi đã nhờ người hỗ trợ mang nhu yếu phẩm cần thiết cho những người trong khu cách ly địa phương. Câu nói “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” luôn thường trực trong tôi. Và sau giãn cách, tôi vẫn miệt mài trên hành trình kết nối yêu thương với người khuyết tật, những người yếu thế. Và gần đây, khi Sài Gòn “bị ốm” tôi đã không ngần ngại đăng ký chương trình “Vắc xin tinh thần” trở thành tư vấn viên tổng đài 1022 hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại Thành phố mang tên Bác.
Những ngày đầu trực tổng đài, tôi được lắng nghe những câu chuyện khủng hoảng tinh thần khi họ hoặc người thân không may bị nhiễm covid-19 hay những nghẹn ngào khi người thân ra đi vì covid-19… Sau mỗi lần tư vấn, cảm nhận được tinh thần của thân chủ được ổn định hơn. Tôi càng thấy quyết định đăng ký tư vấn viên là một quyết định sáng suốt nhất. Vì mình không thể ra tuyến đầu như đội ngũ y bác sĩ, chiến sĩ công an nhưng mình vẫn thầm lặng hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho người dân trong đại dịch.
Trong quá trình đi làm thiện nguyện và được người khác giới thiệu một số nhân vật đồng cảnh tôi thật sự xúc động và không khỏi xót xa cho những phận đời gắn chặt đời mình với “đôi chân tròn” nhưng đã cũ kỹ, rỉ sét vẫn không có đủ điều kiện để thay xe.
Gần đây, trên truyền hình có chương trình “Hát cho ngày mai” dành cho đội ngũ tình nguyện viên tham gia phòng chống dịch tôi đã đăng ký và may mắn được vào vòng ghi hình. Dẫu biết hát không phải là sở trường của tôi nhưng vì những người đồng cảnh đang cần giúp đỡ nên tôi quyết tâm tham gia. Và may mắn đã mỉm cười khi tôi được tài trợ 20 chiếc xe lăn cho những người khuyết tật đồng cảnh.
Trải qua ngang dọc cuộc đời ít nhiều, giúp tôi nhận ra: ngay đến cái gọi là thiệt thòi, nỗi đau của mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Thay vì ca thán về những chướng ngại cuộc sống tôi đã “xỏ chân vào đôi giày của người yếu thế” để biết mình may mắn ra sao. Và hôm nay, tôi dùng tiếng hát của mình để san sẻ với những người đồng cảnh.
Hi vọng qua cuộc thi này tôi được góp một mảnh ghép nhỏ vào bức tranh “Tôi làm việc tốt”.
Dẫu biết việc làm của tôi chỉ là hạt cát trên sa mạc và chỉ đóng vai trò là một thành phần nhỏ trong vườn hoa những người làm việc tốt. Và tôi tham gia cuộc thi này không phải để kể về những việc đã làm và cần được công nhận mà điều tôi hướng đến là sự lan tỏa năng lượng tích cực.
Đến với “Tôi làm việc tốt” tôi muốn chia sẻ rằng: Hành trình gieo những yêu thương lắm khó khăn nhưng tôi hiểu bản thân mình phải đương đầu. Bởi tôi tâm niệm rằng: “Đôi chân mỏi nhưng trái tim không mỏi. Sẽ đi, sẽ đi đến nhịp đập cuối cùng”.

-

Cuộc thi chia sẻ câu chuyện “Tôi làm việc tốt” năm 2023 do Nhóm từ thiện Fly To Sky (trực thuộc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia – T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) triển khai. Năm 2023 là năm thứ 03 Nhóm từ thiện Fly To Sky tổ chức cuộc thi cùng với sự đồng hành, tài trợ chính của 1LIFE và sự bảo trợ, điều phối của Trung tâm Tình nguyện Quốc gia. Ngoài ra, Nhóm còn hân hạnh nhận được sự bảo trợ truyền thông từ YBOX.VN - Mạng xã hội tuyển dụng chất lượng cao của Giới trẻ Việt Nam. 

Cuộc thi là nơi mà mọi người có thể chia sẻ những câu chuyện, kỷ niệm, hành trình làm việc tốt của bản thân mình hoặc những câu chuyện ý nghĩa mình từng chứng kiến từ những người xung quanh nhằm lan toả thông điệp sống đẹp, những giá trị tích cực đến đến với cộng đồng và xã hội. Thông qua đó góp phần thúc đẩy các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ chọn làm những việc tử tế, tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nét văn hóa đẹp cho mỗi công dân Việt Nam cùng đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Thông qua câu chuyện của mình và các thí sinh dự thi có thể trình bày nội dung bằng hình thức dạng viết hoặc video clip kể câu chuyện làm việc tốt của mình và gửi về cho Ban tổ chức.

Xem chi tiết về Thể lệ cuộc thi tại: https://bit.ly/Toilamviectot2023

 

Quyên góp Liên hệ