Thứ tư, 03/04/2024
Khát khao tạo dựng môi trường thiện nguyện cho người trẻ
Lớn lên tại phố núi Gia Lai, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn nơi mình đang sống khiến Lê Văn Phúc khát khao được làm một điều gì đó để giúp đỡ mọi người. Phúc chia sẻ: “Từ khi em còn nhỏ, cứ gần đến ngày giáp Tết là ông bà và bố mẹ của em thường tổ chức quyên góp đồ trong gia đình, họ hàng để có những phần quà mang tặng cho người nghèo. Khi đến các bệnh viện hay các bản làng để trao quà em đã thấy nhiều người sống khổ quá, càng thương hơn khi họ bị mắc bệnh mà không có tiền. Trong đầu em trăn trở câu hỏi “Người trẻ làm được gì cho xã hội?”. Em mong muốn có một môi trường thiện nguyện để người trẻ được phát huy nhiệt huyết tuổi trẻ của mình”. Cậu học trò Lê Văn Phúc đã tự mình đi tìm lời giải ở tuổi 16, khi còn là học sinh lớp 11 của Trường THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai).
Nhận thấy tại Gia Lai chưa có đội nhóm thiện nguyện dành cho các bạn trẻ được hoạt động lâu dài, đầu tháng 9/2018, sau khi khảo sát nhanh với bạn bè, Phúc quyết định thành lập nhóm thiện nguyện Fly To Sky. Khi thành lập nhóm, Phúc không dám nói với gia đình vì sợ bố mẹ lo chuyện học hành bị ảnh hưởng, mặc dù gia đình luôn ủng hộ các hoạt động thiện nguyện. Một năm sau khi bố mẹ đi tham gia đêm nhạc từ thiện mới biết con mình chính là người sáng lập nhóm từ thiện Fly To Sky. Phúc kể lại: “Bố mẹ em khi đó chỉ duy nhất một câu rằng, con phải biết cân bằng giữa việc học và các công việc ngoài xã hội. Bố nói, không yêu cầu con phải đạt thành tích này kia mà quan trọng là tuổi trẻ phải được trải nghiệm. Và dù có thất bại thì mình cũng được bài học”.
Với một đội nhóm ban đầu chỉ có 40 người, trong đó 80% là học sinh THPT, Phúc mong muốn qua các hoạt động này các bạn sẽ có thêm kỹ năng sống, rèn luyện bản lĩnh để không bị bỡ ngỡ khi bước chân vào giảng đường đại học ở những thành phố lớn. Tuy nhiên khó khăn nhất đối với nhóm là làm sao cân đối được thời gian học và và thời gian tham gia các chương trình thiện nguyện để giúp hoạt động thiện nguyện được duy trì như một thói quen, tạo được giá trị cho cộng đồng chứ không phải làm vì yêu thích nhất thời.
“May mắn hồi đó 2 năm liền (lớp 11, 12) em đã đoạt giải học sinh giỏi cấp Quốc gia môn Địa lý, đó cũng là minh chứng cho bố mẹ thấy bản thân mình và các bạn có thể làm tốt 2 việc cùng lúc nếu đủ đam mê và quyết tâm. Em nghĩ điều quan trọng nhất là phải tìm được cái mình thích trên con đường của mình để lấy đó làm động lực cố gắng”, Phúc chia sẻ.
Khó khăn tiếp theo là nguồn lực để duy trì hoạt động thiện nguyện của nhóm, bởi một học sinh 16 tuổi làm sao có thể đi kêu gọi được sự ủng hộ của các đơn vị, tổ chức. Vì thế, ban đầu nhóm của Phúc chỉ vận động tất cả những mối quan hệ quen biết từ người thân, thầy cô, các bạn trong trường. Tổ chức các hoạt động nhỏ để gây quỹ như: bán đồ dùng học tập... Sau khi đã tạo được niềm tin trong cộng đồng thì nhóm tìm kiếm các hình thức gây quỹ khác như tổ chức các đêm nhạc rồi đi ngỏ lời với các công ty, đối tác để có kinh phí tổ chức chương trình. Hai chương trình liên tiếp được Fly To Sky tổ chức ngay tại địa phương đánh dấu một khởi đầu mới của các bạn trẻ đam mê và chịu dấn thân trong hoạt động thiện nguyện. “Em nghĩ đó là sự liều lĩnh, ban đầu tụi em gặp khó khăn rất nhiều khi không có gì từ kỹ năng, kinh nghiệm. Thứ duy nhất nhóm của em có là tấm lòng và sự nhiệt thành của tuổi trẻ”, Phúc tâm sự.
Dù đã tổ chức rất nhiều chương trình, chứng kiến vô số hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ nhưng với Phúc thì chuyến đi đầu năm 2019 đến huyện miền núi Chư Păh (Gia Lai) để lại ấn tượng đặc biệt. Phúc kể: “Lần đầu tiên em chứng kiến một gia đình có 7 người sống trong cái chòi rộng chừng 5m2 được quây bằng tôn, trong đó chỉ duy nhất có manh chiếu trải trên nền đất đỏ bazan. Nhóm đã gửi biếu gia đình 1 triệu đồng. Cô chủ nhà khóc và nói lời cảm ơn rất nhiều vì từ trước tới giờ gia đình chưa có số tiền lớn đến vậy. Cô khóc, còn em thì buồn vì không thể giúp gia đình cô nhiều hơn, nhưng đó cũng là động lực để chúng em cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa...”.
Tại thời điểm này nhóm Fly To Sky đang triển khai chương trình "Tháng ba biên giới" - là hoạt động trong chuỗi các đợt tình nguyện lớn thường niên của nhóm. Còn trước đó, nhóm của Phúc đã triển khai chiến dịch cộng đồng “Tết chuyền tay” năm 2024, thu hút hơn 1.000 lượt ủng hộ, qua đó tiếp nhận hơn 4.600 hộp bánh, kẹo, mứt, hạt để “chuyền tay” đến các em thiếu nhi, người dân khó khăn tại khu vực biên giới.
“Em không có mục tiêu hoạt động thiện nguyện để làm đẹp cho CV hay giúp ích cho công việc sau này. Em chỉ mong muốn được cống hiến vì thấy rất nhiều anh chị bị khiếm khuyết họ vẫn đang truyền cảm hứng cho mọi người. Vậy tại sao một người lành lặn như mình không thể lan tỏa được những điều tích cực ấy!”. Lê Văn Phúc - Chủ nhiệm nhóm Fly To Sky
Mang lại nhiều giá trị tích cực, thay đổi nhận thức của người trẻ
Hơn 5 năm gắn bó và phát triển Fly To Sky, cậu sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) Lê Văn Phúc tâm đắc nhất chính là ngọn lửa thiện nguyện của mình vẫn luôn rực cháy. Càng đi nhiều, càng hiểu biết nhiều thì Phúc càng muốn mình làm được nhiều hơn nữa để giúp đỡ cộng đồng, cùng tạo ra một môi trường năng động, ý nghĩa cho các bạn trẻ. Thực tế thời gian qua Fly To Sky đã mang đến những giá trị tích cực, thay đổi nhận thức của rất nhiều bạn trẻ. Với Fly To Sky, hoạt động tình nguyện đã trở thành thói quen để sau khi được trải nghiệm, học hỏi, khi ra ngoài các bạn trẻ cũng có thể tổ chức các hoạt động khác giúp đỡ mọi người.
Đến nay, Fly To Sky đã quy tụ hàng nghìn bạn trẻ là học sinh, sinh viên tham gia hoạt động tình nguyện. Nhóm đã trao tặng hơn 47.000 cuốn sách, 33 tủ sách - thư viện cho các trường học, lớp học vùng cao, mái ấm, hỗ trợ hơn 12.000 trẻ em được tiếp cận với sách, truyện, xây dựng thói quen đọc sách; Dạy học miễn phí thường xuyên cho hơn 50 trẻ em tại mái ấm mồ côi; Hơn 16.000 trẻ em được sử dụng nước sạch khi đến trường; hơn 60.000 người được thụ hưởng các trang thiết bị y tế cơ bản hỗ trợ phòng, chống dịch; Hơn 30.000 suất quà và hàng chục tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm được trao tặng cho người dân khó khăn, yếu thế, người đồng bào dân tộc thiểu số...
Riêng trong đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến 2021, nhóm đã tổ chức 5 hoạt động hỗ trợ cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19 với kinh phí hơn 5,5 tỷ đồng, trong đó trao tặng 3.500 túi quà an sinh, túi thực phẩm, hơn 20 tấn rau, củ, quả, nhu yếu phẩm thiết yếu, 20 máy tính laptop cùng nhiều trang thiết bị... cho 15 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Với kinh nghiệm hơn 5 năm quản lý Fly To Sky, đồng thời hiện là Phó Trưởng ban Thường trực mạng lưới tình nguyện Quốc gia (khu vực phía Nam), Lê Văn Phúc mong các bạn trẻ cùng nhau tham gia, trải nghiệm các hoạt động tình nguyện.
Từ một học sinh đam mê thiện nguyện, luôn khát khao được cống hiến và tạo ra môi trường giúp các bạn trẻ được hoạt động tình nguyện lâu dài, năm 2019 Lê Văn Phúc trở thành người trẻ nhất giành giải thưởng Tình nguyện Quốc gia. “Đối với em đó là giải thưởng rất cao quý, là động lực để mình cố gắng, chứng minh người trẻ làm được gì. Những năm qua, em luôn cố gắng để truyền lửa cho các bạn trẻ”, Lê Văn Phúc bày tỏ./.
"Sau 5 năm hoạt động, nhóm thiện nguyện Fly To Sky đã thực hiện gần 30 dự án, hơn 150 chương trình, chiến dịch tình nguyện trải dài khắp 22 tỉnh, thành với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng. Lê Văn Phúc đã được chọn là 1 trong 9 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023; được tặng 1 Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS HCM, 2 Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2019, Giải thưởng Thanh niên sống đẹp năm 2022, cùng nhiều danh hiệu, giấy khen khác..."
Nguồn: Báo Tiếng nói Việt Nam