Thứ ba, 24/01/2023
Để mở ra chương mới của năm 2023 đầy rực rỡ, chúng tôi xin mời bạn ngồi lại cùng ba người. Một cô bé chưa đầy 18 tuổi nhưng sở hữu chuỗi cửa hàng gốm nghệ thuật, một chàng trai mở ra hàng trăm chuyến thiện nguyện, nâng đỡ hàng nghìn con người lúc khó khăn, một chàng kĩ sư kiêm TikToker ôm ấp giấc mơ trên bầu trời, dành trọn vẹn tình yêu với hàng không Việt Nam.
Những câu chuyện của họ đã cổ vũ cho tinh thần sáng tạo, cầu tiến, cho nguồn cảm hứng dạt dào của người trẻ: Hãy cứ tin vào chính mình! #Bestrong và bạn sẽ vượt qua tất cả.
Nắng chiều xuyên qua khung cửa, nhảy nhót trên đôi tay của cô gái trẻ, làm những bức tranh khảm óng ánh thứ màu sắc diệu kỳ. Không gian dường như lắng đọng, chỉ còn tiếng lách cách khảm tranh, tiếng xuýt xoa, vỡ oà trong hạnh phúc của những chàng trai, cô gái GenZ khi hoàn thành tác phẩm đầu tay.
“Tách tách…”
Thảo Nhi cầm máy ảnh và ghi lại khoảnh khắc hạnh phúc của khách hàng mình. Thảo Nhi là một cô gái 17 tuổi, còn đang ngồi trên ghế nhà trường, chưa tốt nghiệp THPT nhưng em hiện đang là người sáng lập 2 cơ sở chuyên về gốm thủ công, tranh khảm Mosaic và các workshop nghệ thuật.
“Tôi đã từng ngồi với rất nhiều GenZ khởi nghiệp, duy chỉ có em là chưa đủ 18 tuổi. Thật khó để tưởng tượng rằng, em đã tự đóng từng cọc gỗ, tự nghĩ ra concept, tự thiết kế, tự vận hành một dự án đồ sộ về ý tưởng. Em đã làm nó như thế nào” - PV hỏi.
“Em vẫn cho rằng, thương hiệu mà mình xây dựng rất “nhỏ xinh”. Đó là một câu chuyện liều lĩnh, của những giấc mơ lớn lao”, Nhi cười, đáp.
Thảo Nhi đã dành cả tuổi thơ của mình để đọc sách, vẽ tranh và nặn đất sét. Em có thể ngồi bó gối hàng giờ liền, để nhìn mẹ tạo ra những bức tranh sơn mài và khảm sành sứ. Nhi hiểu được giá trị của những món đồ thủ công làm bằng tay, được dung hoà bởi sự sáng tạo và tỉ mẩn. Mỗi tác phẩm được tạo ra đều là độc nhất trên đời.
Lên lớp 5, Nhi tự thiết kế bookmark bằng giấy, vẽ trang trí hình công chúa Disney và nặn tò he rồi đem bán cho các bạn cùng lớp để lấy tiền tiêu vặt. Cuối năm lớp 8, mẹ mua cho Nhi chiếc lò nung, em cũng lân la tập làm trang sức với chất liệu gốm.
Nhi nói: “Mẹ em là người phụ nữ rất tuyệt vời. Mẹ tôn trọng sự khác biệt của con. Chính nhờ sự cân bằng này mà em trở thành một cô gái suy nghĩ độc lập. Mẹ là người mà em có thể kể cả ước mơ hơi “điên rồ” của bản thân.
Em tạo dựng thương hiệu của mình năm 14 tuổi. Em bắt đầu từ việc nặn gốm, từ sự yêu thích làm ra những thứ xinh đẹp đã hằn sâu vào đam mê.
Em lập fanpage được 3 tuần thì có chị chủ tiệm nước hoa mỹ phẩm liên hệ đặt em làm 200 con cá bằng gốm để làm quà tặng cho khách hàng, deadline có một tháng thôi. Em phải mang đồ đến lớp làm trong giờ ra chơi, gần như đêm nào cũng thức tới 1- 2 giờ sáng. Đôi lúc còn phải nghỉ học thêm. Mỗi con cá dài 5 cm, em phải cắt từng con và dùng que nhỏ khắc từng vảy tỉ mỉ, rồi đem nung.
Vì lần đầu tiên nhận đơn hàng nhiều như vậy nên em lấy giá sỉ là 35.000 đồng/con, không lời đồng nào mà còn khắc vây cá “gãy tay” luôn. Rồi em nhận được 7 triệu, số tiền lớn đầu tiên trong đời. Rồi em cùng mẹ đi thuê nhà của một người quen. Đó là cửa hàng đầu tiên, chỉ vỏn vẹn 20 mét vuông nằm ở đường Trương Quyền (quận 3)”.
“Chà, thật là một quyết định liều lĩnh” - chúng tôi cảm thán!
Nhi gật đầu, thừa nhận. Và chính bản thân em cũng phải đánh đổi rất nhiều điều để thực hiện ước mơ của mình.
“Một số người lớn khi thấy em như vậy thì cho rằng em “cầm tiền sớm sẽ hư người". Tuy nhiên, mẹ em là một người phụ nữ “quả cảm”. Mẹ quyết định thôi công việc làm giảng viên Đại học vốn khá ổn định, còn em thì quyết định chỉ học đủ điểm trung bình, mặc dù trước đó em là học sinh khá giỏi. Sau đó, em còn chuyển qua học bổ túc để có thời gian nhiều hơn. Cứ như thế, cả hai mẹ con dìu nhau bước qua vùng an toàn của chính mình”, Nhi tâm sự.
Bản thân cô gái tuổi teen cũng đã trải qua những cảm giác chạnh lòng. Thảo Nhi nhìn các bạn bằng tuổi mình được thoải mái đi chơi, tụ tập họp nhóm, nỗi tủi thân dâng trào.
Cô nói: “Chuyện khởi nghiệp của em không hề màu hồng. Em đã đánh đổi những cái vui tươi hồn nhiên của tuổi học trò, em thậm chí không hề biết lễ hội trường cấp 3 ra sao. Tuy nhiên, “mất cái này thì lại được cái kia”, em đã có cho mình rất nhiều kinh nghiệm, kỹ năng và bài học cuộc sống, nhờ vậy mà em không mang nhiều hoang mang về dự định tương lai của bản thân”.
Không gian nghệ thuật mà cô bé 14 tuổi năm đó xây dựng cùng mẹ mang hơi hướng aesthetic kiểu đồng quê pha trộn chất Đông Dương. Đó là một không khí thật thoải mái như ở nhà, vừa đủ thân thiện mà vẫn để mọi người sáng tạo, chơi đùa với những gam màu. Gốm sẽ được tạo ra mà không dùng bàn xoay vì muốn người làm trải nghiệm gốm thủ công 100%. Tranh khảm mosaic với chất liệu thủy tinh được tạo ra bởi những gam màu lấp lánh, vừa ngẫu hứng, vừa bay bổng trí tưởng tượng.
Nó thú vị với người trẻ, đặc biệt là GenZ. Họ bước vào đây, được chơi đùa với màu sắc, vỡ oà nhận ra nghệ thuật là điều được cất giữ bởi văn hoá nghìn năm.
Như việc khảm được ứng dụng từ thời xa xưa trong kiến trúc cung đình Huế, rồi có cả con đường gốm sứ ven sông Hồng lập kỷ lục Guinness.
Nhi học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp, học kỹ năng. Em dành nửa ngày của mình cho công việc, nửa ngày còn lại để học tập.
“Bản thân em hồi đi học còn bị cho là lập dị, bị body shaming, bị tự ti vì thấy mình không bằng ai hết. Em đã xem nghệ thuật như một cách chữa lành. Sống tử tế, sống thiết tha, sống đi về phía trước. Và hiện tại, em đã thể mỉm cười hạnh phúc với tuổi 17 tuổi mình”, Nhi nói.
Nhật ký những ngày cuối năm 2018,
Thôn Teng Nong, xã La Rong, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai…
Hôm nay, tròn 4 tháng mình thành lập Fly to Sky. Cả nhóm quyết định len vào những tán cây, ngược lên con đường dốc để đến với gia đình chị Ksor H Bét.
Ngôi nhà che chắn cho 7 người trong gia đình rộng chưa đến 15m2 được lợp tấm tôn tạm bợ. Mái thủng, chiếu trải xuống nền đất đầy lạnh lẽo. Những chi tiết đó cứ theo tâm trí mình. Nhóm quyết định dành ra 1 triệu đồng từ việc bán hàng, hát du ca kiếm được. Lúc trao tiền, mình thấy đôi mắt chị ngấn lệ, đôi tay hao gầy đón lấy bao thư, rưng rưng. Mình thương chị biết bao…
Đó là một trong hàng trăm câu chuyện mà cậu học trò phố núi Lê Văn Phúc ghi lại được, trong hành trình thiện nguyện của mình.
Phúc nhớ rất rõ, ngày 2/9/2018, khi em chỉ là cậu học trò lớp 11 đã đứng ra thành lập dự án Fly to Sky. Phúc cũng chẳng ngờ, “đứa con tinh thần” này sẽ theo cậu 4 năm về sau, giúp Phúc trưởng thành với một trái tim nhân ái. Phúc biết sống cho người, biết yêu thương tận đáy lòng mình.
Phúc nói: “Từ nhỏ đến lớn mình cũng đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, những câu chuyện trong cuộc sống, đặc biệt trong những lần tham gia các chương trình nhỏ của gia đình, người thân đến các bệnh viện. Điều đó làm mình trăn trở mong muốn, khao khát muốn phụng sự. Tại Gia Lai chưa có CLB, đội nhóm tình nguyện nào cho các bạn trẻ có thể tham gia hoạt động tình nguyện lâu dài. Và rồi, mình thành lập Fly to Sky”.
Vậy là trong buổi chiều của ngày nghỉ lễ năm đó, Phúc đã gửi mẫu khảo sát bạn bè, người quen và tối đó thành lập nhóm và mở đơn đăng ký tham gia. “Mình cảm thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình”, Phúc nhớ lại.
Thời gian đầu, nhóm hoạt động gây quỹ nhỏ như tổ chức hát du ca ở quảng trường, bán bao lì xì nhân dịp tết, vận động từ gia đình, người thân, bạn bè… Sự tử tế của nhóm đã làm niềm tin lớn dần, các hoạt động, nguồn quỹ cũng rộng mở hơn.
Có năm, nhóm xã biên giới Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Cùng để thăm và trao quà cho người đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Tại đây, cậu chứng kiến bao câu chuyện xúc động.
“Mình tạm chia thế này. Em 20 tuổi, nhưng Fly to sky đã chiếm gần ⅕ số tuổi của em. Nó đã 4 tuổi rồi. Nó như một dự án chất chứa bao tâm huyết, tình cảm, cho mình các trải nghiệm và vốn sống đắt giá."
Chuyến đi Hà Giang năm đó cũng thế. Mặc dù cũng lớn lên ở vùng núi, nhưng ở Hà Giang đã cho mình cảm nhận không bao giờ quên. Những tuyến đường đèo quanh co, uốn lượn, một bên núi cao bên vực thẳm, đường nhiều nơi không có điện, có nơi không có sóng điện thoại, cuộc sống người dân giản dị và bình yên đến lạ, những món mèn mén trở thành món chính trong mỗi bữa cơm của người dân. Mình được trực tiếp đi bộ đến trường cùng các em học sinh người Mông, được leo núi lên nương rẫy trên các cao nguyên đá. Mặc dù chỉ có thể chia sẻ một phần rất nhỏ với người dân nhưng đây là hành trình ý nghĩa thật sự với mình”, Phúc tâm sự.
Khi trở vào vùng sâu, khi ngồi cắm cúi phân loại sách giáo khoa cho các học sinh khó khăn, khi dạy tiếng Anh cho trẻ mồ côi, khi lao vào tâm dịch Covid-19…
Bản thân Phúc, cũng không nhớ hết được những lần mình lăn xả với các hoạt động tình nguyện. Đối với Phúc, được sống với những ngày tuổi trẻ rực rỡ, được đi, được trải nghiệm… là hạnh phúc vô giá.
Tiếng gió thốc
Tiếng quạt
Tiếng động cơ
…
Tất cả đã trở thành những thanh âm quen thuộc với Nguyễn Hà Minh Hoàng (ngụ TP.HCM). Một Tiktoker có hơn 600.000 lượt theo dõi, hơn 16,4 triệu lượt thích trên nền tảng, một anh chàng kĩ sư bảo dưỡng hàng không yêu nghề.
Hai vai trò trong một con người, Minh Hoàng đều làm rất tốt. Anh là một trong những người sáng tạo nội dung mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng. Năm 2022, khi “content bẩn” bắt đầu xuất hiện, kéo theo nhiều hệ luỵ. Thỏ Hoàng (tên thường gọi của Minh Hoàng) vẫn kiên định với những giá trị mà mình lựa chọn. Chia sẻ kiến thức đến với nhiều người, và cổ vũ cho những ai đang có đam mê theo đuổi ngành hàng không.
Hoàng dùng TikTok để “kể chuyện”. Đó là chuyện về những con người thầm lặng đằng sau chuyến bay, chuyện về những chiếc máy bay trực thăng, kiến thức về hành lý kí gửi, những điều không nên làm ở các chuyến bay… Chính vì thế, người xem TikTok của Hoàng như mở ra những thứ đầy mới mẻ.
Anh ấp ủ ước mơ hàng không từ khi con bé. Hoàng nói: “Nhiều người rất tò mò về ngành hàng không, cho rằng có gì đó bí ẩn. Khi mình làm TikTok nhiều bạn hỏi các vấn đề rất hay, mình phải tra cứu lại tài liệu để trả lời như: Tại sao hành lí xách tay một số hãng quy định là 7kg mà không phải con số khác? Nhờ vậy mình có thêm kiến thức cho bản thân”.
Có lần, máy bay gặp sự cố kĩ thuật nên anh và đồng đội phải làm việc từ 5h sáng đến tận 3h chiều để kịp tiến độ. Những lúc xảy ra sự cố anh buộc phải dành 100% năng suất cho công việc để thời gian delay ngắn nhất”.
Hoàng kể, công việc này dạy cho anh đức tính trung thực, có lỗi phải nhận không biết phải hỏi. “Khi mình làm việc không trung thực, máy bay cất cánh gặp sự cố vì một lỗi sửa chữa sai nào đó sẽ rất nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, thời kì đầu tài liệu về máy bay rất thô sơ và hạn chế. Thầy mình từng kể, thời điểm đó, sửa máy bay phải tra cứu tài liệu giấy rất vất vả, sau đó mới có tài liệu offline trên máy tính, khi cần phải mở máy tính ra xem.
Bạn biết không, hiện nay, mỗi chiếc máy bay điều có một cuốn sổ mang tên Technical log book – sổ nhật kí kĩ thuật dùng để cập nhật liên tục tình hình “sức khỏe” của máy bay. Khi hoạt động, nếu phát sinh hỏng hóc phi công sẽ ghi nhận vào sổ này để bộ phận kĩ thuật kiểm tra, sửa chữa cuối mỗi chuyến bay. Từ trước đến nay quyển sổ này đều bằng giấy. Hiện nay nhiều hãng hàng không nước ngoài đã chuyển Technical log book thành E-Techlog và đây chính là điểm đến tương lai của ngành hàng không”.
Đi thuỷ phi cơ ở Quảng Ninh bay một vòng ngắm Vinh Hạ Long trên cao, bay ngắm cảnh bằng trực thăng ở Đà Nẵng, đi Vũng Tàu - Côn Đảo bằng trực thăng Mi172, đến Ấn Độ trải nghiệm dòng máy bay DHC8, bay cùng Airbus A350 và Boeing 787 - hai loại máy bay chở khách thân rộng hiện đại nhất thế giới hiện nay… Đó là những trải nghiệm không quên của Hoàng, khi trở thành một “bác sĩ” máy bay.
Những ước mơ thời thơ bé của anh đã được hiện thực hoá. Anh kể lại chúng bằng TikTok, chọn cách sáng tạo nội dung “sạch”, mang lại nhiều điều lý thú cho người dùng. Hoàng tin vào chính bản thân mình, trở thành TikToker “tử tế”.
Câu chuyện của Linh, Phúc hay Hoàng cũng như câu chuyện của hàng nghìn GenZ khác. Họ chăm chỉ, sáng tạo, âm thầm góp nên những giá trị tích cực vào dòng chảy thế hệ.
2023 mở ra những hành trình mới. Trên những chặng đường này, sẽ có thách thức lẫn cơ hội. GenZ cũng sẽ bắt đầu một cuộc đua mới để chiến thắng chính bản thân mình.
Nguồn: Saostar Special | Một năm rực rỡ của GenZ (saostar.vn)