Thứ sáu, 21/01/2022
Bà Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện quốc gia (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh)
- Xin được bắt đầu bằng một định nghĩa. Bà nghĩ đến điều gì, khi chợt nghe tới khái niệm "dấn thân"?
- Nói chung với tôi dấn thân là "nghĩ lớn, làm tới". Và dấn thân phải luôn được coi là phẩm chất của người trẻ.
Dấn thân là dám đổi mới, dám vượt qua chính mình của ngày hôm qua, khát khao, tham vọng và chinh phục một điều gì đó lớn lao hơn. Đơn giản nhất là dấn thân để vượt qua chính mình, hơn chút thì dấn thân để khẳng định mình, hơn chút nữa là dấn thân để đột phá, rồi rộng ra nữa là dấn thân để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, của cộng đồng.
Rất nhiều bạn trẻ đã vượt qua sợ hãi, xung phong vào tâm dịch. Nhiều bạn trẻ chấp nhận thu nhập ít đi, để dành phần lớn thời gian cho các dự án phát triển giáo dục vùng cao. Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp trong bối cảnh ngưng trệ của nền kinh tế, có những bạn trẻ thử nghiệm phát minh khoa học của mình đến nhiều lần mới thành công, đó chính là hình ảnh của những người trẻ dấn thân. Và tôi đặc biệt quý trọng những bạn trẻ biết dấn thân như vậy.
Tất nhiên không phải cứ dấn thân là thành công. Dấn thân sẽ gồm cả thất bại, nhưng nếu không dấn thân, theo tôi, đó không phải là tuổi trẻ. Nhưng mỗi bạn trẻ cũng cần chuẩn bị cho mình những kỹ năng, vốn kiến thức, tranh thủ kinh nghiệm những người chung quanh, trước khi dấn thân vào các lĩnh vực cụ thể.
- Bà có cảm nhận như thế nào về tinh thần cống hiến, phục vụ hết mình cho xã hội, trong bối cảnh cụ thể hiện tại và so trước đây?
- Thật cảm động khi thấy tinh thần nhường cơm sẻ áo, tinh thần chia sẻ, đùm bọc của người Việt được phát huy mạnh mẽ.
Và không chỉ trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, những công trình, dự án, chương trình thiện nguyện trong bảo vệ môi trường, thúc đẩy giáo dục, bình đẳng giới, an sinh xã hội, hỗ trợ phục hồi kinh tế, chung tay vì văn minh đô thị, nông thôn mới… với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện, tình nguyện viên vẫn diễn ra trên khắp mọi miền của Tổ quốc, góp phần phát triển đất nước.
Đó không chỉ là sự phát huy truyền thống nhân ái trong mỗi người dân đất Việt, mà còn là tinh thần trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng. Đó cũng chính là tinh thần phụng sự xã hội vì những mục tiêu cao cả: Mang đến những điều tốt đẹp đến cho đất nước. Và tinh thần đó cần luôn được phát huy, không chỉ là lúc thiên tai, dịch bệnh khó khăn, mà nên trở thành việc làm thường xuyên, lâu dài.
- Trong thực tế, cũng có những người lợi dụng việc làm thiện nguyện, phụng sự để quảng bá hình ảnh cá nhân hoặc nhằm mục đích không lành mạnh. Xin bà cho biết quan điểm của mình về hiện tượng này?
- Điều thôi thúc mỗi chúng ta trước khi muốn giúp đỡ một ai đó hay một nơi nào đó chẳng phải là xuất phát từ con tim chúng ta mong muốn họ được hạnh phúc hơn, bớt khó khăn hơn, nơi đó đổi thay, phát triển hơn sao? Vậy thì tại sao chúng ta lại lợi dụng điều tốt đẹp nhất đó để tư lợi, hay gian dối, hay đánh bóng tên tuổi, hay làm ít nhưng khoe trên mạng xã hội nhiều, không thực chất, hay thậm chí là lừa đảo để trục lợi?! Với tôi, tất cả những hành vi này phải được coi là cấm kỵ trong hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.
- Bên cạnh hoạt động thiện nguyện của các tổ chức đoàn thể trong xã hội, thì nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện đã ra đời hoàn toàn tự phát. Trung tâm Tình nguyện quốc gia đã làm gì để hỗ trợ các đội, nhóm như vậy?
- Từ năm 2011, Trung tâm đã thành lập Mạng lưới tình nguyện quốc gia để kết nối, định hướng, hỗ trợ hoạt động tình nguyện của các câu lạc bộ, hội, đội, nhóm tình nguyện trong cộng đồng. Đến nay chúng tôi đã có Mạng lưới tình nguyện quốc gia hoạt động ổn định trên cả nước, bao gồm hàng nghìn câu lạc bộ, hội, đội, nhóm tự lập trên các lĩnh vực.
Chúng tôi giúp họ bằng cách tập trung bảo trợ pháp nhân, định hướng tư vấn về kỹ thuật, nội dung để các hoạt động phát huy hiệu quả nhất, hỗ trợ và đồng hành cùng các sáng kiến vì cộng đồng, kịp thời tôn vinh, khen thưởng để động viên họ làm tốt hơn. Nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm do Trung tâm hỗ trợ đã phát huy rất tốt, trở thành hạt nhân nòng cốt trong các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, đạt Giải thưởng tình nguyện quốc gia và các bằng khen, được xã hội và nhân dân ghi nhận.
- Hơn 15 năm tham gia hoạt động tình nguyện trên nhiều cương vị hẳn đã để lại những dấu ấn khó quên trong lòng. Bà có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ của riêng mình?
- Có lẽ đáng nhớ và gây cảm xúc mạnh mẽ trong tôi nhiều nhất là dịp gần Tết thế này, cách đây hơn 10 năm. Trên suốt chặng đường đến những điểm trường xa nhất, khó khăn nhất, hiểm trở nhất của Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai… trong cái rét cắt da cắt thịt, tôi lặng người khi nhìn những em bé học sinh mẫu giáo, tiểu học đi bộ từ bốn giờ sáng, tay cầm đèn pin, vượt năm đến bảy km để đến trường nhưng chỉ với một đôi dép rách, không tất không giày, không áo khoác ấm; hay các cô giáo nhà ở thị trấn huyện nhưng để vào được trường thì phải đi từ nửa đêm.
Cùng các em đến lớp, tôi đau lòng khi thấy những ngôi trường phên tre hoặc tường đất rách nát. Đó là những hình ảnh thật sự ám ảnh, và tôi đã tìm được câu trả lời cho việc: Các em học sinh nơi tận cùng khó khăn đang cần gì? Từ chuyến đi ấy, chúng tôi xây dựng Đề án Trường đẹp cho em, rồi chương trình Áo ấm cho em, đôi ủng cho em để cùng các em vượt qua những ngày đông lạnh giá trên con đường đi học.
- Tết Nhâm Dần sắp tới, và "thời Covid-19" có vẻ cũng chưa thể sớm kết thúc, với tư cách là một chuyên gia hoạt động xã hội, bà mong mỏi điều gì nhất?
- Tất nhiên điều tôi mong nhất là dịch Covid-19 kết thúc thật nhanh, thật sớm trong năm 2022 để cuộc sống có thể trở lại bình thường. Với tư cách là người hoạt động xã hội, tôi luôn mong mỏi tinh thần lạc quan, sự tử tế, trái tim nhân ái và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng trong mỗi người.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!
VĂN HỌC (thực hiện) - Nguồn: Nhân Dân cuối tuần