Thứ hai, 05/12/2022
Lê Văn Phúc, Sinh viên ĐH KHXH&NV - ĐHQG TPHCM, Chủ nhiệm nhóm từ thiện Fly to Sky: Chuyên nghiệp hóa hoạt động tình nguyện
Trong suốt thời gian qua, phong trào “Thanh niên tình nguyện” đã triển khai đồng bộ, sâu rộng, hiệu quả, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và giải quyết các vấn đề của cộng đồng. Đây cũng là môi trường sinh động để thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, là trường học thực tiễn mang lại kiến thức, vốn sống, kỹ năng thực hành xã hội phong phú cho đoàn viên, thanh niên. Tôi mong rằng, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII tiếp tục phát triển phong trào Thanh niên tình nguyện lên tầm cao mới.
Lê Văn Phúc |
“Thanh niên tình nguyện” là một phong trào mang ý nghĩa nhân văn cao cả, góp phần thay đổi thái độ, hành vi, thói quen, lan tỏa lối sống đẹp trong cộng đồng, tạo dựng hình ảnh đẹp về lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, xung kích vì cộng đồng. Để phong trào tình nguyện tạo được nhiều nét chuyển biến mới, theo tôi, các cấp bộ Đoàn cần quan tâm, đi sâu vào cuộc sống của các đối tượng đoàn viên, thanh niên. Làm sao đảm bảo việc tham gia tình nguyện trở thành thói quen của người trẻ, không chỉ dừng lại phong trào nhất thời.
Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn cần chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cần thiết, nâng cao năng lực của thanh niên tình nguyện để chuyên nghiệp hóa các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Sự chuyên nghiệp hóa hoạt động tình nguyện sẽ vừa đảm bảo hiệu quả vừa mang tính bền vững, để lại giá trị lâu dài.
Một vấn đề rất quan trọng mà tổ chức Đoàn cần quan tâm là xây dựng nguồn quỹ phù hợp để hỗ trợ các sáng kiến vì cộng đồng nhằm biến các sáng kiến đó trở thành các chương trình, dự án thiết thực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và giải quyết các vấn đề cộng đồng, xã hội.
Trung úy Dương Hải Anh, Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh Sơn La: Hướng đến sự bền vững
Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Đoàn thanh niên Công an tỉnh Sơn La còn quan tâm thực hiện nhiều nội dung liên quan công tác thiện nguyện, trong đó có dự án “Nuôi em Mộc Châu” do tôi khởi xướng, chủ nhiệm. Đến nay, dự án đã hỗ trợ cơm trưa cho gần 4.000 em học sinh vùng cao. Bên cạnh đó là dự án “Hạnh phúc cho em”, xây được 3 căn nhà hạnh phúc cho các em có hoàn cảnh khó khăn và 14 điểm trường.
Trung úy Dương Hải Anh |
Từ thành công của các dự án do tôi và Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Sơn La thực hiện, tôi nhận thấy để một chương trình, hoạt động tình nguyện thành công, trước hết phải tuân thủ pháp luật, công khai, minh bạch. Đặc biệt đối với những khoản đóng góp, ủng hộ từ các tấm lòng hảo tâm, mạnh thường quân, tổ chức, cần sao kê rõ ràng. Bên cạnh đó, áp dụng khoa học công nghệ vào công tác từ thiện để tiết kiệm thời gian, công sức và tạo sự minh bạch.
Được biết trong Dự thảo Báo cáo Chính trị ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ XII, T.Ư Đoàn tiếp tục chọn phong trào “Thanh niên tình nguyện” là phong trào lớn của nhiệm kỳ mới. Tôi mong rằng, hoạt động tình nguyện phải hướng đến sự bền vững, bền vững từ trong chương trình, trong hành động và bền vững trong cả tư duy, làm sao xây dựng chương trình tình nguyện dài hơi, chứ không chỉ dừng lại ở việc trao tặng món quà, tấm bánh. Các chương trình tình nguyện cần giải quyết được căn cơ của vấn đề, theo các bước trung hạn, dài hạn, có chiều sâu.
Hoàng Hoa Trung, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019, Trưởng nhóm tình nguyện Niềm tin: Nhân rộng những mô hình sáng tạo
Theo quan sát cá nhân, tôi nhận thấy rằng, các Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè, Chiến dịch tình nguyện mùa Đông, Chiến dịch Xuân tình nguyện vẫn chưa có nhiều mô hình sáng tạo. Chúng ta có thể đẩy mạnh hơn bằng việc khi triển khai chương trình xuống các cấp nên kèm theo 20-50 mô hình tiêu biểu, được đúc kết để nhân rộng. Các tỉnh khi triển khai xuống địa phương, cơ sở cần quan tâm và lựa chọn các mô hình hay được nhận từ Trung ương phù hợp với từng địa phương, để từ đó nhân rộng, thay đổi cho phù hợp rồi áp dụng.
Hoàng Hoa Trung |
Mỗi năm, các tỉnh Đoàn có thể tổng hợp các mô hình tiêu biểu và xuất bản những ấn phẩm về những mô hình hiệu quả, sáng tạo truyền đạt tới khắp các cấp dưới, gửi lên Trung ương để cùng học tập các mô hình trong và ngoài nước. Chính những mô hình bền vững, hiệu quả sẽ dễ dàng tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ từ nhà tài trợ, truyền thông và được lan tỏa rộng rãi, tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng, xã hội.
Đặc biệt, một vấn đề quan trọng không kém là các chương trình, hoạt động tình nguyện cần đi sâu vào sự bền vững, lâu dài, tránh các cách làm an toàn nhưng không thật sự hiệu quả.
Nguồn: Lưu Trinh (ghi) - Báo Tiền Phong